Bối cảnh Trận_Lalakaon

Xung đột biên giới Ả Rập-Đông La Mã

Bản đồ Tiểu Á dưới thời Đông La Mã và biên giới Đông La Mã-Ả Rập vào giữa thế kỷ thứ 9

Sau những cuộc xâm lược của người Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 7, Đế quốc Đông La Mã chỉ còn kiểm soát được Tiểu Á, các dải bờ biển phía nam của bán đảo Balkan và một phần bán đảo Ý. Với Đế quốc Đông La Mã, các Caliphate là mối đe dọa ngoại bang lớn nhất thời bấy giờ, và các cuộc tấn công của người Ả Rập và Tiểu Á liên tục diễn ra trong suốt thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Theo thời gian, các cuộc tấn công này trở nên định kỳ hơn, được xuất phát từ các căn cứ dọc biên giới Ả Rập-Đông La Mã hoặc các cảng biển từ Syria.[2]

Trong suốt giai đoạn này, quân Đông La Mã Thiên về phòng thủ,[3] nhưng đã phải chịu một số thất bại khá nặng nề. Đặc biệt là vào năm 838, khi người Ả Rập cướp bóc thành Amorium, quê hương của các Hoàng đế Đông La Mã thời bấy giờ.[4] Nhưng từ năm 842, quyền lực của các Caliphate nhà Abbasid bắt đầu suy yếu và các tiểu vương quốc tự trị nổi lên dọc theo biên giới phía đông Anatolia, tạo điều kiện cho Đông La Mã có thể khẳng định lại vị thế của mình trong khu vực.[5]

Vào những năm 850, các mối đe dọa kéo dài dai dẳng nhất của Đông La Mã bao gồm Tiểu vương quốc Melitene (Malatya) do Umar al-Aqta cai trị, Tiểu vương quốc Tarsus của Ali ibn Yahya ("Ali người Armenia"), Tiểu vương quốc Qaliqala (ngày nay là Theodosiopolis, Erzurum) và các bộ tộc người Tephrike đuọc lãnh đạo bởi Karbeas.[6][7] Trong đó Melitene là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Đông La Mã, bởi tiểu vương quốc này nằm ở phía tây dãy Anti-Taurus, cho phép người Ả Rập có thể tiến thẳng vào cao nguyên Anatolia. Mối đe dọa lên tới đỉnh điểm vào năm 860, mà lịch sử Đông La Mã gọi đây là năm đen tối nhất trong lịch sử đế quốc, khi mà các tiểu vương quốc đồng loạt tấn công đế quốc chỉ trong cùng một năm: quân của Umar và Karbeas đột kích vào sâu bên trong lãnh thổ Tiểu Á rồi cướp đi rất nhiều của cải, chỉ một thời gian ngắn sau đó xảy ra cuộc đột kích của các lực lượng Tarsus dưới quyền Ali, cùng lúc đó một cuộc tấn công hải quân từ Syria đã phá hủy căn cứ hải quân lớn của Đông La Mã ở Attaleia.[7][8]

Cuộc xâm lược của người Ả Rập năm 863

Vào mùa hè năm 863, Umar lại tiến hành xâm luợc Đông La Mã, khi ông gia nhập với lực lượng của một viên tướng nhà Abbas, Ja'far ibn Dinar al-Khayyat (tổng đốc của Tarsus) tiến hành đột kích thành công vào Cappadocia. Người Ả Rập vượt qua đèo Cilician Gates để tiến vào lãnh thổ Đông La Mã, cướp bóc và đốt phá dọc đường hành quân, rồi tiến quân tới gần Tyana.[5][9][10] Quân đội của Tarsus sau đó rút lui, nhưng Umar được sự ủng hộ của Ja'far tiếp tục tiến vào Tiểu Á. Umar đã mang theo hầu hết binh lực trong tiểu vương quốc của mình để tiến hành cuộc xâm lược, mặc dù không rõ về số lượng của Umar: sử gia Hồi Giáo Ya'qubi cho rằng Umar có 8.000 quân, trong khi đó các sử gia Đông La Mã GenesiusTheophanes Continuatus lại thổi phồng con số lên tới 40.000 người. Một nhà nghiên cứu về Đông La Mã là John Haldon sau khi kết hợp các tư liệu đã đưa ra một con số phù hợp với thực tiễn hơn, khi ông ước lượng quân số của các lực lượng Ả Rập liên hợp lại vào khoảng 15.000-20.000 người..[9][11][12] Có khả năng là Karbeas và quân lính của ông ta cũng tham gia vào cuộc xâm lăng này.[13][14]

Hoàng đế Đông La Mã Mikhael III đã tập hợp một đội quân để chống lại cuộc tấn công của người Ả Rập. Theo một tư liệu của Ả Rập, quân đội hai bên gặp nhau tại một địa điểm đuọc gọi là Marj al-Usquf ("Bishop's Meadow"), một cao nguyên gần Malakopeia, phía bắc Nazianzus.[13][15] Một trận chiến đẫm máu nổ ra và cả hai bên đều bị thương vong nặng nề. Chỉ còn khoảng 1.000 quân của Umar còn sống sót, theo sử gia Ba Tư al-Tabari. Tuy nhiên, những binh lính Ả Rập còn lại đã thoát khỏi vòng vây của quân Đông La Mã, tiếp tục tiến lên phía bắc và tàn phá Armeniac Theme, cuối cùng là cướp bóc thành phố cảng Amisos nằm ở bên bờ Biển Đen. Các sử gia Đông La Mã đã nói rằng Umar vô cùng tức giận vì bị biển chặn lại bước tiến của mình, đã ra lệnh cho binh lính tàn phá thành phố, giống như những gì Xerses đã làm trong cuộc chiến tranh Ba Tư.[15][16][17]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Lalakaon http://books.google.com/?id=3t4eWBDyFiwC http://books.google.com/?id=O5JqH_NXQBsC http://books.google.com/?id=nYbnr5XVbzUC http://books.google.com/books?id=OycjAQAAIAAJ http://books.google.com/books?id=QC03pKNpfaoC http://books.google.com/books?id=bFh-ASmKksYC http://books.google.com/books?id=jlTPAAAAMAAJ http://asiaminor.ehw.gr/Forms/fLemmaBodyExtended.a... http://asiaminor.ehw.gr/Forms/fLemmaBodyExtended.a... http://asiaminor.ehw.gr/Forms/fLemmaBodyExtended.a...